TS Nguyễn Sĩ Dũng.
Ngày mai, 1/7/2021, khi Luật Cư trú (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực, một trong những di sản cuối cùng của thời kỳ bao cấp sẽ bị xóa bỏ.
Di sản đó chính là cuốn sổ hộ khẩu đã gắn bó với nhiều gia đình Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Thời bao cấp, sổ hộ khẩu đã từng không chỉ là công cụ để quản lý dân cư, mà còn là căn cứ để phân phối lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khan hiếm khác.
Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, có hộ khẩu mới có sổ gạo, có chế độ tem phiếu. Hộ khẩu trở thành một thứ đặc quyền, đặc lợi của cư dân thành phố so với cư dân nông thôn.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Đất nước đã chuyển từ nền kinh tế trọng cung sang nền kinh tế trọng cầu. Trong nền kinh tế thị trường, sự khan hiếm đã được thay thế bằng sự dồi dào.
Lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm đã được cung ứng tràn ngập ở trên thị trường. Có cầu mới là quan trọng. Dân nhập cư vào thành phố càng tăng, thì cầu sẽ càng tăng. Cầu càng tăng, thì kinh tế càng phát triển.
Chức năng phục vụ phân phối của sổ hộ khẩu không còn. Chức năng quản lý dân cư cũng trở nên rất lỗi thời. Trong thời đại của chuyển đổi số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tiếp tục quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu quả thực là vừa quá lạc hậu vừa quá bất cập.
Trước hết, quản lý bằng sổ hộ khẩu hạn chế quyền tự do cư trú của người dân. Điều 23 của Hiến pháp năm 2013 quy đinh: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước". Thủ tục đăng ký hộ khẩu khó khăn, phức tạp chắc chắn cản trở người dân thực hiện quyền này của mình.
Thứ hai, quản lý bằng sổ hộ khẩu là rất dễ sai sót. Tại các thành phố lớn của nước ta, rất nhiều gia đình, nhiều cư dân, có hộ khẩu ở một nơi, nhưng lại sinh sống một nẻo.
Việc chuyển đổi nơi cư trú xảy ra thường xuyên và khá dễ dàng theo nhu cầu của cuộc sống, trong lúc đó việc chuyển đổi hộ khẩu lại thường rất khó khăn và nhiêu khê. Hậu quả là rất nhiều gia đình chuyển đến nơi ở mới, nhưng vẫn để hộ khẩu ở nơi cũ.
Thứ ba, việc cập nhật thông tin về những biến động liên quan đến chủ hộ và các thành viên khó khăn, chậm trễ.
Trên thực tế, quy trình, thủ tục để cập nhật thông tin không được quy định rõ ràng. Ý thức cập nhật thông tin của một bộ phận người dân là chưa cao. Tuy nhiên, nếu người dân có ý thức cập nhật thông tin, thì cách thức để làm được điều này là không dễ và không phải ai cũng biết.
Thứ tư, sổ hộ khẩu gây ra khó khăn, tốn kém cho người dân. Với rất nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải cung cấp bản sao sổ hộ khẩu có xác thực. Người dân vừa mất tiền sao, tiền xác thực, vừa mất công sức, mất thời gian.
Thứ năm, sổ hộ khẩu tạo ra sự phân biệt đối xử và hạn chế các quyền của người dân. Như đã nói ở trên, rất nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đến dịch vụ công đều đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu.
Không có sổ hộ khẩu, hàng triệu người lao động nhập cư nhanh chóng trở thành những công dân loại 2 trong các thành phố lớn. Con cái của họ tiếp cận các dịch vụ công liên quan đến giáo dục và y tế hết sức khó khăn, trong không ít các trường hợp là gần như không thể tiếp cận được.
Đó là chưa nói tới những đòi hỏi về thủ tục gần như tước bỏ các quyền cơ bản của con người, ví dụ như muốn đăng ký xe ô tô thì phải có hộ khẩu. Hay những quy định mang tính thách đố đối với người dân như kiểu "muốn được mua nhà thì phải có hộ khẩu, mà muốn có hộ khẩu thì phải có nhà".
Thực ra, sổ hộ hộ khẩu là công cụ được sinh ra là để quản lý công dân theo nơi cư trú và để xác thực quan hệ nhân thân. Trong thời đại công nghệ số, một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn toàn có thể đảm nhận các chức năng trên hiệu quả gấp hàng chục lần.
Đó là chưa nói tới những lợi ích to lớn mà cơ sở dữ liệu này có thể mang lại cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển của đất nước.
Cơ sở dữ liệu này vừa chính thức được Thủ tướng Pham Minh Chính khai trương ngày 22/6/2021 vừa qua. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải phát huy tối đa lợi ích của cơ sở dữ liệu này không chỉ để quản lý dân cư, mà còn để cung cấp hàng loạt các dịch vụ khác như xác thực, tìm kiếm thông tin…
Ngoài ra, cũng cần nhanh chóng rà soát để hủy bỏ tất cả các quy định về thủ tục hành chính và thủ tục dân sự đòi hỏi phải có các bản in sao và xác thực sổ hộ khẩu.
Đó chính là một trong nhiều việc phải làm để người Việt Nam từng bước được hưởng thành quả của Chính phủ phục vụ và Chính phủ kiến tạo.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng
Tổ Quốc
Nguồn: http://toquoc.vn/ngay-mai-di-san-hon-50-nam-cua-thoi-bao-cap-se-bi-xoa-bo-8202130603413922.htm